Hiện nay, Phú Thọ có 4 cơ quan báo chí của tỉnh (Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ, Tạp chí Khoa học và Công nghệ); 6 cơ quan báo chí Trung ương đặt văn phòng đại diện tại tỉnh; 7 cơ quan báo chí cử phóng viên thường trú độc lập tại tỉnh.
Thực hiện sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cơ quan báo chí luôn hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, trở thành cầu nối giữa Đảng, chính quyền với các tầng lớp nhân dân, đưa hình ảnh của Phú Thọ đến gần hơn với đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, các cơ quan báo chí đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất các tác phẩm; khai thác hiệu quả lợi thế mạng xã hội, hướng tới trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện giúp công chúng tiếp cận thuận lợi, góp phần tích cực trong việc lan tỏa, định hướng thông tin.
Báo Phú Thọ hiện có 4 ấn phẩm là Báo Phú Thọ hằng ngày, Báo Phú Thọ cuối tuần, Báo Phú Thọ miền núi, Phú Thọ điện tử. Đến nay, lượng phát hành Báo Phú Thọ hằng ngày đạt hơn 7.000 tờ/kỳ; Báo Phú Thọ cuối tuần gần 6.000 tờ/kỳ; ấn phẩm Phú Thọ miền núi gần 5.000 tờ/kỳ; Phú Thọ điện tử với 2 phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh cập nhật 24/24 giờ, đạt hơn 250 triệu lượt người truy cập hằng ngày. Bắt nhịp với xu thế phát triển đa nền tảng, Báo Phú Thọ đã phát triển các kênh trên nền tảng mạng xã hội facebook, tiktok, youtube, ra mắt kênh podcast… góp phần cung cấp thông tin thời sự trong tỉnh, quảng bá hình ảnh và các giá trị di sản văn hóa đặc sắc vùng đất Tổ đến bạn đọc nhanh hơn, chính xác hơn, hấp dẫn hơn.
Ông Vũ Xuân Chường - Tổng Biên tập Báo Phú Thọ, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh cho biết: Thực hiện Đề án phát triển Báo Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Báo Phú Thọ đã và đang tập trung xây dựng, từng bước trở thành cơ quan báo chí hiện đại, đa phương tiện của tỉnh. Trong đó, chú trọng việc thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật mới vào tổ chức hoạt động truyền thông nhằm phản ánh kịp thời những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương, đơn vị trong tỉnh. Đồng thời, tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, xuyên tạc tình hình của đất nước và của tỉnh; chủ động, tích cực trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cùng với Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh ngày càng bám sát thực tiễn cuộc sống góp phần đưa thông tin đến với người xem, người nghe kịp thời, hiệu quả. Trước sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình báo chí mới, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh hoạt động trên các ứng dụng như website, fanpage, youtube, trở thành kênh tuyên truyền, định hướng hiệu quả trong thời kỳ công nghệ số.
Đến thời điểm hiện tại, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đảm bảo phát sóng phát thanh 9 giờ/ngày; phát sóng truyền hình 18 giờ/ngày, phủ sóng 100% diện tích và dân số, phục vụ đắc lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhu cầu thông tin của người dân. Qua sóng phát thanh, truyền hình, hình ảnh tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là các tiềm năng kinh tế - xã hội, các giá trị văn hóa đặc sắc miền Đất Tổ được quảng bá rộng rãi đến với mọi miền tổ quốc và các nước trong khu vực, trên thế giới.
Theo ông Lê Hồng Khanh - Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Kiên định mục tiêu “Lấy khán giả làm trung tâm, thước đo của các sản phẩm phát thanh - truyền hình để tập trung đầu tư, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm”, Đài Phát thanh - Truyền hình chú trọng nghiên cứu, rà soát nhu cầu nghe, xem của khán thính giả để cơ cấu lại khung giờ, thời lượng, đổi mới, mở mới các chương trình phát thanh, truyền hình. Từ đó thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội; tuyên truyền đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước và lan tỏa năng lượng tích cực, là diễn đàn tin cậy của nhân dân trong tỉnh.
Với phương châm “hướng mạnh về cơ sở”, thời gian qua, các cơ quan báo chí trung ương thường trú tại tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể về tỉnh Phú Thọ với nhiều hình thức phong phú bằng các tin, bài, chương trình trên các kênh, ấn phẩm. Qua đó góp phần quan trọng đưa hình ảnh đất nước, con người và các thành quả kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Phú Thọ đến nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.
“Sự nỗ lực, đổi mới của tỉnh trong việc triển khai thực hiện khâu đột phá giai đoạn 2020 - 2025 về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cùng các giá trị di sản văn hóa, sản phẩm nông sản đặc trưng gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới… là những vấn đề, đề tài hấp dẫn, sinh động để các cơ quan báo chí thông tin tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân” - Nhà báo Lâm Đào An - Trưởng Văn phòng đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh Phú Thọ chia sẻ.
Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền những vấn đề tích cực, các cơ quan báo chí trung ương thường trú tại tỉnh cũng có nhiều tin, bài mang tính phản biện nhằm phản ánh các vấn đề dư luận xã hội quan tâm cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Long - Thường trú Báo Nhân dân tại tỉnh Phú Thọ cho biết: Những thông tin phản biện mang tính xây dựng trên báo chí cũng luôn được lãnh đạo tỉnh và nhiều ngành, địa phương ghi nhận để từ đó có giải pháp khắc phục; kịp thời làm rõ, cải chính hoặc bác bỏ những thông tin sai lệch, giải tỏa hiểu lầm, bức xúc trong cộng đồng dân cư, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ đã bám sát chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn cơ quan báo chí trên địa bàn đảm bảo môi trường thông tin lành mạnh, phục vụ tích cực sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhu cầu thông tin của nhân dân. Trong đó, nổi bật là tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý thông tin trên báo chí và mạng Internet tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025; nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các nội dung phương án phát triển báo chí tích hợp vào quy hoạch tỉnh Phú Thọ tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai Chiến lược phát triển báo chí giai đoạn 2021 - 2025…
Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện ký kết quy chế phối hợp trong quản lý báo chí giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh và Hội Nhà báo tỉnh; quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự trên lĩnh vực thông tin và truyền thông; ký kết hợp tác về truyền thông với các cơ quan báo chí trung ương như: Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân.
Ông Trịnh Hùng Sơn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định: Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về báo chí; tạo điều kiện để các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh bám sát nhiệm vụ chính trị, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và theo quy định của pháp luật, tạo sự đồng thuận và niềm tin trong nhân dân. Tích cực ban hành các văn bản chỉ đạo, định hướng tuyên truyền mọi mặt của đời sống, xã hội trên tinh thần “nhanh - đúng - trúng - hay - đẹp”. Làm tốt nhiệm vụ là đầu mối giúp UBND tỉnh trong việc cung cấp thông tin, định hướng xã hội cho các cơ quan báo chí của tỉnh cũng như phóng viên báo chí trung ương làm việc tại tỉnh…
Nguồn tin: Theo CTTĐT tỉnh Phú Thọ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn