Chị em phụ nữ tìm đến địa chỉ tin cậy tại Nhà văn hóa khu 5, thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy để được tư vấn, hỗ trợ
Khi “im lặng không còn là vàng”
Trong cuộc sống, đôi khi “im lặng là vàng”. Tuy nhiên, im lặng không phải lúc nào cũng đúng, nhất là trong vấn đề BLGĐ. Im lặng là cổ súy cho hành động bạo lực, thậm chí đồng nghĩa với việc tự đẩy mình vào tình huống nguy hiểm.
Trường hợp của bà Nguyễn Thu V. (52 tuổi) ở phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì là một ví dụ. Gần 30 năm chung sống với ông Trần Minh T., bà V. có quá nửa thời gian phải chịu cảnh “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Theo lời kể của bà, thời gian đầu khi mới kết hôn, ông T. rất yêu thương vợ con. Tuy nhiên, sau khi sa đà vào bia rượu thì ông trở thành một con người khác, hễ uống rượu say hoặc có chuyện không vừa ý là đập phá đồ đạc trong nhà, quát mắng, chửi bới, “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ con. Có những lần bà V. bị chồng đánh thương tích khắp người, phải nhập viện điều trị nhưng chỉ sau vài câu xin lỗi của chồng, bà lại về nhà với ông.
Cứ thế, bà V. nhẫn nhịn chịu đựng sự bạo hành của chồng hết lần này đến lần khác chỉ với mong muốn có một gia đình đầy đủ cho con, cho cháu. Hàng xóm ai cũng ái ngại bởi đã nhiều lần khuyên can nhưng tình hình vẫn chẳng thay đổi, cách vài ba ngày ông bà lại to tiếng, xô xát; các vật dụng trong nhà cứ thế “đội nón ra đi” theo những lần cãi vã.
Hay như trường hợp của chị Đỗ Thu H. (31 tuổi) ở phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì. Chị H. kể lại, ngày đó 2 vợ chồng chị đều còn trẻ. Anh vì lo cho tổ ấm mới nên ngày đêm làm lụng, kiếm tiền bằng nghề lái xe khách. Còn chị sau thời gian nghỉ sinh con cũng xin vào làm việc ở một công ty may. Khi cuộc sống dần ổn định cũng là lúc anh vắng nhà nhiều hơn, thường tỏ thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với chị. Rồi chị phát hiện anh ngoại tình, dù đau đớn nhưng vì còn yêu nên chị bỏ qua tất cả. Ngược lại, anh vẫn chứng nào tật ấy mặc cho chị níu giữ, khuyên ngăn. Chuyện gia đình chị chẳng nói với ai vì sợ “vạch áo cho người xem lưng”. Sau 2 năm âm thầm chịu đựng, chị quyết định ly hôn và cho đến giờ, vết thương lòng vẫn hằn in trong đời sống tinh thần của chị không biết đến khi nào nguôi.
Đây là 2 trong số nhiều câu chuyện về BLGĐ mà nạn nhân trong những câu chuyện ấy luôn cam chịu, không dám trình báo với chính quyền và cơ quan chức năng. Điều đó càng khiến cho vấn nạn BLGĐ thêm dai dẳng, nhức nhối.
Hãy lên tiếng để bảo vệ bản thân và gia đình
Không cam chịu như nhiều phụ nữ khác, chị Lê Thị N. (40 tuổi) ở thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy đã dũng cảm lên tiếng sau nhiều năm bị chồng bạo hành về tinh thần. Chị N. tâm sự: Trước đây, tôi thường xuyên phải chịu những lời chửi mắng thậm tệ vì tính ghen tuông vô cớ của chồng. Tôi càng im lặng thì chồng càng lấn tới. Vì vậy, tôi quyết định tìm đến “địa chỉ tin cậy” để nhờ sự tư vấn, trợ giúp của các ban, ngành, đoàn thể khu dân cư. Sau nhiều lần được tuyên truyền, giải thích, chồng tôi đã thay đổi. Hiện chúng tôi đã chung sống hòa thuận, cùng nhau vượt qua khó khăn để gìn giữ mái ấm gia đình.
Cán bộ Công an tỉnh tuyên truyền pháp luật về phòng chống BLGĐ cho người dân huyện Tân Sơn
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác gia đình, chị Nguyễn Phương Thịnh - cán bộ phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Thủy cho biết: Đa số nạn nhân bị BLGĐ cảm thấy e ngại, xấu hổ, sợ hãi khi phải tiết lộ chuyện bị bạo hành; chỉ số ít chịu chia sẻ câu chuyện của mình. Điều này gây khó khăn cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong việc tiếp cận, hỗ trợ giải quyết các vụ việc BLGĐ. Thiết nghĩ, nếu ai cũng dũng cảm như chị N. thì chắc chắn sẽ không còn nhiều vụ việc BLGĐ đau lòng xảy ra.
Theo ông Nguyễn Thanh Xuân - Trưởng phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Để ngăn ngừa BLGĐ, điều kiện tiên quyết là phải nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân. Nhận thức rõ điều này, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông về phòng chống BLGĐ, coi đây là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển mọi mặt của xã hội. Qua nhiều năm triển khai, đến nay hoạt động này đã được thực hiện thường xuyên, nhất quán, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, địa bàn dân cư. Từ đó giúp đông đảo người dân, nhất là đối tượng bị BLGĐ từng bước thay đổi nhận thức, mạnh dạn lên tiếng tố cáo hành vi bạo hành; góp phần giảm thiểu tình trạng BLGĐ và duy trì ổn định trật tự xã hội.
Song song với đó, để bảo vệ an toàn và quyền lợi cho các nạn nhân bị BLGĐ khi họ sẵn sàng lên tiếng, các địa phương đã triển khai, nhân rộng nhiều mô hình mới, cách làm hay tại khu dân cư. Toàn tỉnh hiện có 1.240 mô hình/nhóm phòng chống BLGĐ, 1.404 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và 821 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững. Nhiều nhóm, câu lạc bộ và địa chỉ tin cậy hoạt động hiệu quả, làm tốt vai trò là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kịp thời hỗ trợ, tư vấn cho hội viên trong việc ngăn ngừa BLGĐ; đồng thời là đầu mối để giải quyết các mâu thuẫn. Nhờ đó, nhiều cặp vợ chồng đã hóa giải được mối bất hòa và cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc. Tỷ lệ gia đình văn hóa toàn tỉnh ngày càng tăng, năm 2021 đạt 88,52% (tăng 0,52% so với năm 2018).
“Mỗi gia đình hạnh phúc là một viên gạch, là nền tảng vững chắc góp phần xây dựng nên một xã hội tươi đẹp. Để tiếp tục giảm thiểu, đẩy lùi BLGĐ, thiết nghĩ mỗi gia đình cần có ý thức xây đắp chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững”. Mọi người cần hiểu rõ pháp luật và dũng cảm lên tiếng khi bị BLGĐ; đồng thời chủ động hợp tác, đồng hành với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và khu dân cư để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa bạo lực từ những mầm mống bất hòa, mâu thuẫn” - ông Nguyễn Thanh Xuân nhấn mạnh.
Nguồn tin: Theo CTTĐT tỉnh Phú Thọ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn