Mực nước ngầm miền Bắc đang sụt giảm
Kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất vùng đồng bằng Bắc Bộ trong 3 tháng đầu năm 2009 tại các tỉnh, thành phố Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên và Hải Dương cho thấy: Ở Vĩnh Phúc, tốc độ hạ thấp mực nước trung bình trong thời gian từ đầu năm 2000 tới năm 2009 bình quân vào khoảng 0,13m/năm, do ảnh hưởng khai thác nước tập trung trong tầng chứa nước có áp Pleistocen (qp) đặc biệt là khu vực thành phố Vĩnh Yên. Ở Bắc Ninh và Vĩnh Phúc, lượng nước khai thác tăng cũng ảnh hưởng đến tầng chứa nước của khu vực. Khu vực Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng có đặc điểm thủy địa hóa phức tạp nên nước mặt, nước nhạt xen kẽ... Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, sự khai thác nước dưới đất tăng cũng dẫn đến sự hạ thấp mực nước ở một số nơi, điển hình là khu vực phía Nam thành phố nơi có các bãi giếng đang hoạt động.
Theo Trung tâm Điều tra quy hoạch tài nguyên nước, sự khai thác nước dưới đất quá nhiều ở Hà Nội hình thành phễu hạ thấp mực nước biểu hiện khá rõ theo diện và theo chiều sâu. Kết quả phân tích thành phần hóa học nước dưới đất cho thấy nước dưới đất ở khu vực Hà Nội, một số chỉ tiêu có giá trị cao hơn giới hạn cho phép, trong đó chủ yếu là hàm lượng amoni, asen và hàm lượng hữu cơ. Các yếu tố này đang có xu thế tăng theo thời gian cả về hàm lượng và diện tích phân bố, tập trung chủ yếu tại những khu vực có các nguồn có khả năng gây ô nhiễm cao như các bãi rác thải, khu công nghiệp...
Lượng nước mặt bình quân đầu người hiện nay ở Việt Nam đạt khoảng 3.840 m3/người/năm. Theo tiêu chí đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế (IWRA), thì ở thời điểm hiện nay Việt Nam đã thuộc số các quốc gia thiếu nước và Việt Nam sẽ gặp phải rất nhiều thách thức về tài nguyên nước trong tương lai gần. Suy thoái tài nguyên nước trên các lưu vực sông sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của hàng chục triệu người dân và mọi hoạt động sản xuất. Những bộ phận dân cư sống bằng nước giếng khoan và những thành phố sử dụng nước ngầm như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân mà còn có thể ảnh hưởng lớn tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.
Tài nguyên nước ở Việt Nam phân bố không đều và biến đổi mạnh theo thời gian. Thiếu nước ngọt đã và đang xảy ra ở nhiều nơi, nhất là vùng núi cao phía Bắc và đồng bằng ven biển. Nguy cơ này sẽ trầm trọng hơn vào thế kỷ tới khi lượng nước cần dùng tăng nhanh. Vì vậy, những kết quả của công tác quan trắc tài nguyên nước dưới đất là cơ sở để các nhà quản lý lên phương án quy hoạch cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu quan trọng đối với nguồn tài nguyên đang ngày càng trở nên quý giá này.