Khai thác đá tại xã Hương Cần của Công ty cổ phần xây dựng Thanh Vân
Trong thời gian qua việc quản lý nhà nước về đất đai từ huyện đến các xã, thị trấn đã dần đi vào nề nếp, đảm bảo thực hiện quản lý và sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai.
Về quản lý Đất đai:
Trong thời gian qua việc quản lý nhà nước về đất đai từ huyện đến các xã, thị trấn đã dần đi vào nề nếp, đảm bảo thực hiện quản lý và sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai. Vai trò quản lý nhà nước về đất đai ở cơ sở đã được tăng cường. Bước đầu khắc phục được tình trạng giao, cấp đất trái thẩm quyền, sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm, tranh chấp đất đai giảm hơn trước.
Công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã lập xong điều chỉnh bổ sung quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2006 - 2010 ở tất cả các xã, thị trấn, đảm bảo theo đúng quy định làm cơ sở để cho các xã lập quy hoạch giao đất đấu giá QSDĐ tạo vốn để xây dựng cơ sở vật chất như: Thị trấn Thanh Sơn, Thục Luyện, Địch Quả, Giáp Lai, Tất Thắng, Tinh Nhuệ, Lương Nha, Khả Cửu, Yên Lương … Tuy nhiên trong thời gian qua một số xã vẫn để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích.
Việc công nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân theo Điều 50 Luật Đất đai 2003 còn gặp phải một số vướng mắc như: Việc xác định mốc thời gian ở một số xã còn có sự nể nang không kiểm tra, nhiều hồ sơ xác nhận thời gian còn chưa chính xác những hộ ở sau ngày 15/10/1993 thì lại xác nhận ở trước 15/10/1993; Cán bộ địa chính xây dựng ở cơ sở tuy đã được tập huấn về nghiệp vụ chuyên môn theo chuyên ngành nhưng nắm lại còn rất hạn chế, việc lập hồ sơ về đất đai cho hộ gia đình cá nhân trong việc công nhận quyền sử dụng đất và hồ sơ chuyển quyền SDĐ còn chưa đảm bảo theo đúng quy định dẫn đến việc hồ sơ phải trả đi trả lại nhiều lần làm mất thời gian và gây bức xúc cho người dân.
Công tác đền bù giải phóng mặt bằng trong thời gian qua còn nhiều bất cập. Nhận thức của người dân về cơ chế chính sách trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng còn hạn chế, dẫn đến sự không thống nhất về phương thức đền bù, hỗ trợ. Cán bộ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng còn chưa nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ, chưa giải thích rõ về chế độ chính sách của nhà nước dẫn đến việc nhân dân khiếu kiện
Công tác trợ giúp pháp lý cho người dân chưa được thường xuyên, số lượng khiếu kiện đất đai vẫn xảy ra nhiều, nhất là khiếu kiện có liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất lâm nghiệp. Việc giao đất lâm nghiệp chồng chéo trước đây vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Công tác quản lý quỹ đất san nền vẫn chưa được các xã chưa thực hiện nghiêm túc theo Quyết định số 1081/2008/QĐ-UBND ngày 21/4/2008 của UBND tỉnh Phú Thọ quy định về quản lý và khai thác quỹ đất san nền, đắp nền công trình trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Để khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng đất nêu trên, giải pháp thực hiện trong thời gian tới là:
- Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, các chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất đến mọi đối tượng sử dụng đất. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục với nội dung thiết thực và hình thức phù hợp đối với từng đối tượng.
- Thực hiện tốt việc công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và có biện pháp kiểm tra, theo dõi việc thực hiện, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu và khả năng sử dụng đất thực tế, khắc phục tình trạng quy hoạch “treo”.
- Tăng cường quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch trung tâm các xã, trung tâm cụm xã. Lập hồ sơ đấu giá QSDĐ những nơi thuận tiện, giao đất ở cho các hộ có thu nhập thấp nằm sâu trong các khu dân cư.
- Nghiêm cấm việc giao đất trái thẩm quyền, lấn chiếm đất đai, san lấp mặt bằng, khai thác khoáng sản, sử dụng đất sai mục đích đặc biệt là khu vực trung tâm các xã, ven đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên xã. Kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm về quản lý đất đai.
- Qua kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai phải kiên quyết xử lý, kể cả đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm, nhất là đối với các cán bộ, công chức lợi dụng chức quyền để tham nhũng, hối lộ hoặc giao đất, cho thuê đất trái với quy định, gây thiệt hai cho Nhà nước.
- Tập chung trước hết cho việc giải quyết những khiếu nại về đền bù giải phòng mặt bằng; ngăn ngừa các hành vi vi phạm về quản lý và sử dụng đất dẫn tới tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.
- Các xã cần tổ chức lập hồ sơ đề nghị công nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện theo đợt tập chung. Thực hiện kiểm tra và xác nhận việc lập tờ khai xác định mốc thời gian sử dụng đất đảm bảo tính chính xác và khách quan. Cấp giấy GCNQSDĐ cho các hộ có nhu cầu cần tách từ nhóm hộ để tránh tình trạng tranh chấp đất.
- Đổi mới công tác quản lý về giá đất, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xây dựng khung giá đất hàng năm đảm bảo có sự phù hợp giữa giá thị trường với khung giá của nhà nước làm cơ sở cho việc thực hiện giải phóng mặt bằng, thu thuế chuyển quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất…
- Tổ chức tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn cấp xã để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Về quản lý khoáng sản:
Trên địa bàn huyện Thanh Sơn hiện nay có 29 điểm mỏ khoáng sản đang được cấp phép hoạt động khai thác, 6 tháng đầu năm Phòng TN & MT đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện và tỉnh tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Tuy nhiên việc quản lý khoáng sản trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại:
- Sau khi được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản các doanh nghiệp thường tranh thủ khai thác mà chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định (thủ tục về thuê đất), ký quỹ phục hồi môi trường.
- Việc thực hiện các quy trình quy phạm trong khai thác mỏ lộ thiên, thực hiện công tác an toàn lao động, bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp còn bị xem nhẹ.
- Tốc độ triển khai dự án chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp còn chậm so với tiến độ đã cam kết do năng lực đầu tư máy móc thiết bị, tài chính còn nhiều hạn chế.
- Công tác quản lý khoáng sản của một số xã chưa được chú trọng còn để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép (tính từ tháng 12/2007 đến nay đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản 24 triệu đồng và tịch thu 17,75 tấn quặng Mica, 324 tấn quặng có chứa thành phần sắt, trên 9000 tấn quặng Limonit, vi phạm chủ yếu xảy ra tại các xã Giáp Lai, Thạch Khoán, Lương Nha, Cự Thắng).
- Việc khai thác khoáng sản trái phép chủ yếu xảy ra tại khu vực đất lâm nghiệp đã được giao đến từng hộ, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trong đất thổ cư của các hộ gia đình, cá nhân. Quá trình khai thác trái phép chủ yếu diễn ra kèm theo việc san lấp mặt bằng để xây dựng lại nhà ở.
Giải pháp khắc phục tồn tại trong công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn huyện là:
+ Tăng cường hơn nữa hoạt động kiểm tra, rà soát của đoàn kiểm tra liên ngành (Tài nguyên và Môi trường, Công an, Quản lý thị trường, Chi cục thuế) nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản. + Xử lý nghiêm các hành vi thu mua, vận chuyển, tàng trữ trái phép khoáng sản theo quy định của pháp luật.
+ Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục trong nhân dân Luật Khoáng sản và các quy định của Pháp Luật về quản lý, hoạt động khoáng sản.
+ UBND các xã có trách nhiệm phối hợp cùng các ngành chức năng quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ của các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn quản lý. Đồng thời có trách nhiệm bảo vệ quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản, báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời.
+ UBND các xã cùng các ban ngành đoàn thể ký các cam kết với các xóm ở những nơi có khoáng sản, yêu cầu các hộ ở khu vực trên ký cam kết với xóm hoặc với UBND xã không khai thác trái phép khoáng sản. Hàng tuần, hàng tháng UBND xã giao ban với các trưởng khu dân cư để báo cáo tình hình thực hiện cam kết về không khai thác trái phép khoáng sản trên địa bàn mình quản lý.
+ Đề nghị các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn các xã cung cấp 01 bộ hồ sơ khai thác và chế biến khoáng sản mỏ trong đó gồm: Bản đồ khu vực khai thác mỏ; Bản đồ thu hồi và thuê đất; Các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Cam kết môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với những doanh nghiệp khai thác sản lượng lớn theo quy định trong Luật Bảo vệ môi trường. Các xã có trách nhiệm giám sát việc khai thác theo đúng ranh giới bản đồ cấp phép và giám sát việc thực hiện các nội dung của cam kết bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường như: Chất thải, bụi, tiếng ồn... Những doanh nghiệp nào không thực hiện đúng UBND xã có công văn gửi các ngành chức năng để xử lý kịp thời theo quy định.