Phú Thọ là địa phương có trữ lượng khoáng sản thấp và giá trị kinh tế theo từng loại không cao, chủ yếu là vật liệu xây dựng và một số loại khoáng sản khác như sắt, cao lanh, mica với quy mô phân tán nhỏ lẻ. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh hiện có 102 mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác, trong số đó có 13 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, 15 mỏ sét, 13 mỏ cao lanh, 41 mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường, 04 mỏ sắt, 02 mỏ dolomit –talc … Ngoài ra, còn có 14 mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT.
Với quan điểm mục tiêu phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, tỉnh Phú Thọ đã chú trọng ngay từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường của các dự án khai thác, chế biến khoáng sản, trong đó ưu tiên sàng lọc, loại trừ các dự án có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Trong quá trình quản lý hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, công tác thanh tra, kiểm tra luôn được quan tâm thực hiện, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về môi trường, kịp thời kiến nghị giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường; chủ động triển khai có hiệu quả công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, ký quỹ bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, bởi đây là một công cụ kinh tế hữu hiệu, gắn trách nhiệm kinh tế với trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã kịp thời ban hành nhiều văn bản quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn. Trong 2 năm 2020 và 2021, đối với hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông, để ngăn chặn nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ, UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản chỉ đạo dừng hoạt động khai thác khoáng sản trên 2 tuyến sông Lô và sông Đà…
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, 100% các dự án khai thác, chế biến khoáng sản hoạt động phù hợp theo quy hoạch, đầy đủ các thủ tục pháp lý và đều có báo cáo ĐTM hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường được phê duyệt làm căn cứ để triển khai thực hiện; công tác ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường được đôn đốc thực hiện theo quy định; hồ sơ, thủ tục đóng cửa mỏ, hoàn nguyên môi trường được doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh.
Tuy vậy, hoạt động khai thác, chế biến và công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: không được khai thác đúng quy trình, quy phạm, thiết kế được duyệt; công tác quản lý, xử lý chất thải còn mang tính đối phó, chưa thực sự hiệu quả; tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, và khí bụi thải do hoạt động khai thác vẫn còn; nhiều mỏ đã kết thúc khai thác nhưng chưa thực hiện công tác đóng cửa mỏ hoặc không thực hiện đầy đủ các khối lượng công việc cần thực hiện.
Trong thời gian tới, để công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản tiếp tục được nâng cao hơn nữa, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, đối với các dự án cấp phép mới, yêu cầu thực hiện đầu tư xây dựng các công trình biện pháp bảo vệ môi trường được đánh giá xác nhận trước khi đi vào hoạt động chính thức; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường…
Tác giả bài viết: Độ Trần
Nguồn tin: Theo BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Những tin cũ hơn