Lãnh đạo Sở: TN và MT, Công nghiệp và UBND huyện Thanh Thuỷ kiểm tra hiện trạng khai thác Kaolin Fenspat tại Xí nghiệp khai
Trong thời gian từ ngày 18-22/2/2008,Đoàn giám sát HĐND tỉnh Phú Thọ do đồng chí Ngô Đức Vượng - Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát công tác quản lý, khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh, tham gia Đoàn giám sát có đồng chí Đặng Đình Vượng, TUV - Phó Chủ Tịch UBND tỉnh và Lãnh đạo các Sở: Xây dựng, Công nghiệp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường.
Ngày 18/2/2008, tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Đoàn đã nghe báo cáo của các sở, ngành liên quan về công tác quản lý, khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản. Báo cáo, các sở, ngành đã nêu rõ: Đến nay trên địa bàn tỉnh có 84 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác chế biến khoáng sản ở 98 mỏ, điểm mỏ. Trong thời gian qua hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản đang từng bước được chấn chỉnh, đã cơ bản thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, một số doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, lựa chọn công nghệ tiên tiến, chế biến sâu khoáng sản nhằm mục tiêu nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm đã tạo thêm nhiều việc làm tăng nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn còn một số doanh nghiệp chưa đáp ứng với yêu cầu về các thủ tục theo quy định đối với hoạt động khai thác, chế biến kinh doanh khoáng sản dẫn đến hiệu quả thấp gây lãng phí tài nguyên khoáng sản, ảnh hưởng đến môi trường, nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng tiến độ của dự án và nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước dẫn đến thất thoát nguồn thu cho ngân sách, trách nhiệm quản lý nhà nước chưa được đề cao nhất là UBND cấp huyện, UBND cấp xã.
Ngày 19/2, Đoàn đã làm việc với UBND huyện Thanh Sơn và kiểm tra thực tế tại 02 mỏ sắt: Công ty cổ phần khoáng sản và luyện kim Thăng Long; Công ty cổ phần gang thép công nghiệp Việt Nam. Đây là 02 doanh nghiệp được UBND chấp thuận cho lập dự án đầu tư chế biến sâu để sản xuất ra sản phẩm gang và phôi thép, hiện nay 2 doanh nghiệp này đang bắt đầu vào xây dựng cơ bản mỏ để bước vào khai thác, chế biến quặng sắt, tại đây đoàn yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường nhất là việc đánh giá tác động môi trường và ưu tiên sử dụng nguồn lao động tại địa phương, đào tạo nâng cao trình độ, tạo điều kiện đóng bảo hiểm cho người lao động đầy đủ, thực hiện đúng dự án. Tiếp đó, đoàn đã nghe Lãnh đạo UBND huyện Thanh Sơn báo cáo về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện, hiện có 24 doanh nghiệp được cấp cấp phép hoạt động trên 28 điểm mỏ, với tổng diện tích gần 224,63 ha, tạo công ăn việc làm cho 500 lao động, cải thiện cho người lao động cũng như đóng góp vào ngân sách nhà nước, công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn huyện tường bước được tăng cường, một số doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư đến chế biến sâu nâng cao giá trị khoáng sản phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, từng bước nâng cao năng lực, thiết bị công nghệ, máy móc. Vừa qua huyện đã kiểm tra, quyết định thu 796 tấn quặng sắt của 02 doanh nghiệp vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp và 03 cá nhân thu mua gom quặng trái phép. Việc quản lý hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn huyện vẫn chưa chặt chẽ, thường xuyên, ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, tình trạng lợi dụng buôn bán, khai thác trái phép vẫn sảy ra, một số doanh nghiệp chưa chú ý đến an toàn lao động trong khai thác mỏ.
Ngày 20/2, Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Thanh Thuỷ về công tác quản lý khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản. Trên địa bàn huyện Thanh Thuỷ khoáng sản chủ yếu là Kaolin, hiện nay đang có 09 mỏ, 09 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khoáng sản, trong đó 05 doanh nghiệp khai thác chế biến Kaolin Fenspat, 01 doanh nghiệp khai thác nước khoáng nóng, 01 doanh nghiệp khai thác sét gạch ngói, 01 doanh nghiệp khai thác quặng Sắt, 01 doanh nghiệp khai thác Cát. Các quy định về hoạt động khai thác chế biến khoáng sản trên địa bàn huyện đã được quan tâm triển khai kịp thời, các doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế đối với nhà nước, quan tâm đổi mới đầu tư thiết bị máy móc nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động với thu nhập bình quân 1 triệu đồng/tháng do đó thu hút được nguồn lao động tại chỗ. Trong năm 2007, UBND huyện tổ chức thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự xã hội nói chung và khu vực có khoáng sản nói riêng; đã thu giữ 84 tấn Kaolin do khai thác trái phép trên địa bàn các xã: Sơn Thuỷ, Đào Xá; lập biên bản xử phạt hành chính đối với các đối tượng vận chuyển khoáng sản trái phép và nộp vào kho bạc Nhà nước 19,6 triệu đồng. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt biện pháp khắc phục giảm thiểu tác động bất lợi đến cơ sở hạ tầng khu vực mỏ và sản xuất dẫn đến hiện tượng xô lũ ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống của nhân dân. Việc chấp hành các văn bản hành chính, sự phối hợp giữa doanh nghiệp và UBND huyện chưa cao, nhất là việc bảo vệ môi trường, bảo vệ hạ tầng giao thông; vẫn sảy ra hịên tượng khai thác trái phép nhỏ lẻ các loại khoáng sản như: Kaolin penspat, khai thác sử dụng nguồn nước khoáng nóng cho mục đích kinh doanh.
Đoàn giám sát đã kiểm tra thực tế và làm việc với 02 doanh nghiệp khai thác Kaolin đó là Công ty TNHH YFA; Xí nghiệp khai thác - dịch vụ hoá chất Phú Thọ. Tại buổi làm việc, Đoàn lưu ý các doanh nghiệp cần nghiên cứu đầu tư chế biến sâu có hiệu quả nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu, nêu cao trách nhiệm về bảo vệ môi trường, bồi thường thiệt hại cho nhân dân. Đoàn giám sát nhất trí với kiến nghị của UBND huyện xem xét cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành, chính quyền cấp huyện, cấp xã về trách nhiệm trong việc quản lý hoạt động khai thác, chế biến kinh doanh khoáng sản trên địa bàn huyện Thanh Thuỷ để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý khoáng sản của địa phương cũng như trong toàn tỉnh.
Ngày 21/2 Đoàn giám sát đã làm việc tại UBND huyện Phù Ninh và kiểm tra hiện trạng tại công ty TNHH Sông Lô. Tại đây, Đoàn đã nghe báo cáo của UBND huyện, trên địa bàn huyện hiện có 09 mỏ chủ yếu là cát, sỏi sông Lô, đá xây dựng. Trong thời gian qua, quy định của pháp luật về hoạt động khai thác khoáng sản đã được quan tâm triển khai kịp thời, cơ bản các doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với nhà nước. Năm 2007, tổng số thu thuế, phí của các doanh nghiệp là 2 tỷ đồng. Nhìn chung, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Phù Ninh trong thời gian qua cơ bản thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, công tác thanh kiểm tra được tăng cường và quan tâm hơn, nhận thức của người dân nơi có khoáng sản dần được nâng cao, một số lao động của địa phương được tiếp nhận làm việc tại mỏ với thu nhập tương đối ổn định. Các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị nâng cao sản lượng, chất lượng khoáng sản. Hoạt động khoáng sản đã giải quyết việc cung cấp nguyên liệu, vật liệu phục vụ nhu cầu sản xuất, xây dựng của địa phương để phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, vẫn còn có một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về thuê đất, thuê mặt nước, thực hiện việc ký cam kết môi trường, việc ký cam kết trách nhiệm với Sở Tài nguyên và Môi trường, với UBND huyện Phù Ninh về việc cắm mốc giới, biển báo, còn xảy ra mâu thuẫn giữa dân địa phương và đơn vị khai thác, gây mất trật tự an ninh nông thôn. Việc kiểm tra hoạt động khoáng sản đối với các doanh nghiệp hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông còn gặp nhiều khó khăn, vì đây là hoạt động khoáng sản trên sông nên huyện không chủ động được phương tiện thuỷ, không có thiết bị đo độ sâu đáy sông để xác định chiều sâu khai thác, địa bàn lại giáp ranh với tỉnh Vĩnh Phúc, chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý nhà nước về địa giới hành chính giữa 2 tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc.
Đoàn đã đến kiểm tra và làm việc với Công ty TNHH Sông Lô, khai thác cát, sỏi tại khu vực xã Hạ Giáp. Đoàn đã lưu ý các doanh nghiệp phải thực hiện tốt đảm bảo môi trường bởi vì sông Lô là nơi cấp nước sinh hoạt cho thành phố Việt Trì. Đồng thời, phải thực hiện cắm mốc, biển báo, ranh giới rõ ràng để tránh tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dân địa phương, đảm bảo an ninh trật tự, các doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật. Việc khai thác khoáng sản phải đảm bảo an toàn về lao động, về giao thông nhất là an toàn về đê điều, không để sảy ra hiện tượng xô lũ ảnh hưởng tới sản xuất của người dân. Các cơ quan chức năng cần đánh giá về sản lượng, về giá cả để đảm bảo lợi ích cho nhà nước, Đoàn giám sát nhất trí với kiến nghị của huyện là cần xem xét ban hành cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành, chính quyền các cấp trong việc quản lý hoạt động khai thác, chế biến kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh để được tốt hơn nữa.
Hy vọng sau đợt giám sát của HĐND tỉnh, các huyện được giám sát nói riêng và tất cả các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, đưa công tác quản lý, khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh vào nề nếp và đạt hiệu quả kinh tế cao.