Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu tại cuộc họp báo
Họp báo do Bộ TN&MT tổ chức sáng 22/10 tại Hà Nội do Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển và Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai Phùng Văn nghệ chủ trì, đã giới thiệu Nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ và Thông tư 17/2009/TT-BTNMT ngày 21/10/2009 của Bộ TN&MT về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Tham dự có gần 50 phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. “Bộ TN&MT đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai cấp Giấy chứng nhận mới về nhà đất cho người dân ngay khi Nghị định 88/CP có hiệu lực thi hành, ngày 10/12/2009. Bộ đã ban hành Thông tư 17, hoàn thành in ấn mẫu giấy mới, chuyển phần mềm mẫu giấy về các địa phương. Tháng 11/2009 Bộ triển khai tập huấn chuyên môn cho cán bộ Sở TN&MT 63 tỉnh thành và tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, đảm bảo nguồn lực triển khai tốt Nghị định này”, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển nói.
(Vấn đề được phóng viên quan tâm là những điểm mới của Nghị định 88/2009 về việc cấp giấy chứng nhận so với trước đây. Theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, nỗ lực lớn của Bộ TN&MT trong công tác xây dựng Nghị định 88, ban hành Thông tư 17 là rút ngắn về thời gian và hợp lý hóa trình tự thủ tục cho người dân khi cần cấp giấy chứng nhận về nhà, đất và tài sản gắn liền với đất, cũng như cần đăng ký biến động sau khi cấp giấy chứng nhận.
Những điểm đổi mới so với trước
Điểm mới nhất ở Nghị định 88 là việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chỉ phải làm thủ tục một lần tại một cơ quan. Đó là Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện.
Theo Quyền Tổng cục trưởng Phùng Văn Nghệ, điều này vừa tiện lợi cho dân, vừa đỡ lãng phí trong việc lập nhiều hồ sơ, quản lý nhiều nơi, lại chỉ do một cơ quan Nhà nước chủ động thực hiện. Mặt khác, Giấy chứng nhận mới thể hiện được đầy đủ, rõ ràng cả về quyền sử dụng đất (kể cả nhiều thửa) và quyền sở hữu tài sản (kể cả có nhiều tài sản) mà 4 loại giấy cũ không đáp ứng được. “Nếu trước đây chỉ có 2 loại tài sản được chứng nhận, thì nay có 4 loại tài sản được chứng nhận là nhà ở, công trình xây dựng, cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng”.
Điều này đã rút ngắn thời gian thực hiện, lại sửa đổi hoàn thiện được các quy định hiện hành về cấp GCN. Xử lý được những vấn đề chưa thống nhất giữa các hệ thống pháp luật trước đây. Có những quy định về phí và lệ phí, có quy định về xử lý trường hợp xây dựng trái phép.
Nộp hồ sơ tại đâu thì trả kết quả tại đó
Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê đất đai Trần Hùng Phi giới thiệu Nghị định 88/2009 gồm 4 chương 29 điều với 8 vấn đề chính. Theo đó, nguyên tắc cấp giấy chứng nhận là chỉ cấp cho tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản, “tài sản của người khác và tài sản của Nhà nước là không cấp”, Cục trưởng Phi nhấn mạnh.
Giấy chứng nhận cấp theo từng thửa, gồm tất cả các tài sản gắn liền. “Riêng đối với đất nông nghiệp không có tài sản thì có thể cấp chung một giấy cho nhiều thửa, tùy yêu cầu người dân”. Thửa đất có nhiều người sử dụng đất, nhiều chủ cùng sở hữu tài sản thì cấp cho từng người cho dù chỉ là chủ tài sản gắn liền với đất. Chỉ trao giấy chứng nhận sau khi hoàn thành các nghĩa vụ tài chính liên quan, như tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế chuyển quyền, lệ phí trước bạ, nếu có…
Về chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, chỉ chứng nhận khi chủ sở hữu tài sản đủ điều kiện chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai. Trong 4 loại tài sản được chứng nhận, Nghị định này chưa quy định cụ thể đối với cây lâu năm mà giao Bộ TN&MT cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn sau khi Nghị định có hiệu lực thi hành.
Nơi nộp hồ sơ và trả kết quả cấp Giấy chứng nhận thực hiện theo nguyên tắc một cửa, nộp tại đâu thì trả kết quả tại đó. Tổ chức, cơ sở tôn giáo, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư nước ngoài nộp tại Văn phòng đăng ký cấp tỉnh. Hộ gia đình, cá nhân tại phường nộp tại Văn phòng đăng ký cấp huyện. Hộ gia đình cá nhân tại xã, thị trấn nộp tại Văn phòng đăng ký cấp huyện hoặc UBND xã. Trong 3 ngày phải thông báo nếu phải bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Những quy định về hồ sơ và trình tự, thủ tục cấp giấy cũng quy định rõ trường hợp mua nhà ở, công trình xây dựng của nhà đầu tư từ ngày 10/12/2009 ở nơi có sàn giao dịch phải có giấy tờ chứng minh qua sàn giao dịch.
Nghị định này cũng quy định chuyển tiếp quy định cũ và Nghị định 88. Theo đó, các loại Giấy chứng nhận mẫu cũ đã cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị pháp lý. Chỉ đổi khi có nhu cầu hoặc khi chuyển quyền và không phải nộp lệ phí cấp đổi. Hồ sơ đã tiếp nhận không phải làm lại.
Về Thông tư số 17 của Bộ TN&MT, ngoài những quy định chung, quy định về GCN và nội dung thể hiện trên GCN, Thông tư còn có 16 điều quy định chi tiết việc Đăng ký biến động sau khi cấp GCN, như cơ quan có thẩm quyền xác nhận và GCN, nơi nộp hồ sơ và nhận kết quả…Có 7 loại thủ tục cần đăng ký biến động về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản, gồm chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho; cho thuê; góp vốn; đăng ký biến động do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên đấu giá; đăng ký biến động do đổi tên chủ, thay đổi hạn chế quyền, thay đổi nghĩa vụ tài chính, thay đổi thông tin về tài sản như diện tích sử dụng, tầng cao, kết cấu, cấp hạng nhà và công trình; thay đổi về rừng cây.
“Bao giờ người dân được nhận giấy mới?”
Một số phóng viên hỏi, bao giờ người dân được nhận giấy mới? Từ nay đến ngày Nghị định có hiệu lực 10/12/2009 có cấp tiếp giấy cũ? Những huyện chưa có Văn phòng đăng ký thì nơi nào cấp giấy mới? Trường hợp góp vốn mua nhà không qua sàn có được cấp giấy không? Những hộ dân mua nhà chung cư nhiều năm mà chủ đầu tư đến nay vẫn chưa chuyển cho họ giấy chứng nhận thì họ có được quyền yêu cầu tự làm thủ tục cấp giấy không?...
Lãnh đạo Bộ TN&MT và Tổng Cục Quản lý đất đai cho biết: Tuần sau Bộ sẽ chuyển mẫu giấy mới về các địa phương để từ tháng 11/2009 tới đây các tỉnh có thể triển khai lập hồ sơ. Chính thức từ ngày 10/12/2009 giấy mới được cấp. Từ nay đến thời điểm Nghị định có hiệu lực thi hành, giấy cũ vẫn được cấp. Huyện nào chưa có Văn phòng đăng ký thì Phòng TN&MT sẽ làm nhiệm vụ này. Các trường hợp góp vốn mua nhà hợp pháp vẫn được cấp Giấy chứng nhận. Đối với những hộ dân mua nhà chung cư mà chủ đầu tư chưa cấp giấy chứng nhận, mang đủ giấy tờ hợp pháp sẽ được làm thủ tục cấp giấy, tuy nhiên điều đáng lưu ý là giấy tờ hồ sơ chỉ hợp pháp khi các chủ đầu tư này đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính như quy định.
Một số câu hỏi khác liên quan, Thông tư 17 của Bộ TN&MT sẽ làm rõ và sắp tới, Bộ TN&MT sẽ trình ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.