Người dân hưởng lợi
Theo số liệu của thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Ninh Bình cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 40.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 10 - 15% diện tích (4.000 - 6.000 ha) người dân không có nhu cầu sản xuất hoặc không mặn mà thiết tha với đồng ruộng.
Nhìn ra vấn đề này, từ năm 2015 đến nay, Công ty cổ phần - Tổng Công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình đã thuê hơn 300 ha đất nông nghiệp của các hộ dân thông qua các Hợp tác xã trên địa bàn xã Đồng Phong, Văn Phương (Nho Quan); xã Khánh Hải, Khánh Hồng (Yên Khánh) để trồng trọt khoai tây, lạc… xuất khẩu sang Nhật Bản mang lại lợi ích cao.
Có mặt tại khu trồng lạc của Công ty tại xã Khánh Hải, chúng tôi gặp bà Phí Thị Hiệu (56 tuổi), trú đội 1, xóm Hà Đông (Khánh Hải, Yên Khánh). Trên khuôn mặt đẫm mồ hôi, bà Hiệu cho biết, gia đình bà có 8 sào ruộng và được Công ty thuê 1,5 sào từ cuối năm 2016. Công ty trả cho gia đình bà 104 cân lúa/sào/năm tương đương 60 nghìn/năm. Trước đây, gia đình bà trồng lúa những không hiệu quả vì nhiều phần diện tích đất chua, công sức và đầu tư hiệu quả thấp, đó là chưa kể những năm mất mùa do thời tiết.
“Cho doanh nghiệp thuê đất đời sống gia đình cũng khá hơn. Ngoài ra, vào thời gian rảnh rỗi, tôi vẫn làm thêm cho doanh nghiệp và được 140 nghìn/ngày công”, bà Hiệu chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh với bà Hiệu, chị Nguyễn Thi Đặng cũng cho doanh nghiệp thuê 2 sào ruộng. Hiện nay, gia đình anh chị đã tập trung làm một số công việc khác tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Ông Đoàn Văn Quốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Đông Mai cho biết, hiện nay, HTX Khánh Hải, có 40 ha đất của 308 hộ tham gia. HTX đứng ra đại diện cho người dân cho doanh nghiệp thuê đất. Ngoài ra, HTX cũng đảm bảo cho công ty 3 khâu là: nước sản xuất, đánh chuột và bảo vệ.
“Việc cho thuê ruộng đang có lợi hơn, người dân đang làm trừ chi phí sản xuất, đầu tư chưa kể rủi ro, doanh nghiệp trả vẫn là có lợi hơn so với trước kia”, ông Quốc nói.
Thuận lợi cho doanh nghiệp
Trao đổi với chúng tôi, chị Ngô Thị Thu, cán bộ kỹ thuật Công ty cho biết, trước, đất các hộ gia đình diện tích nhỏ nên sử dụng không hợp lý, hiệu quả thấp. Khi Công ty thuê đã áp dụng cơ giới hóa đã giải quyết được vấn đề này. Chẳng hạn như một máy gieo đậu, mỗi ngày gieo được 8 ha, bằng 300 người dân làm; một máy phân thuốc trừ sâu, mỗi ngày phun được 10 ha bằng 100 người phun… Những công việc này, công ty cũng thuê khoán cho người dân có nhu cầu theo diện tích, công đoạn và cơ chế rõ ràng nên đảm bảo được năng suất gấp mấy lần so với trước kia. Bên cạnh đó, các cánh đồng được sản xuất theo kiểu cuốn chiếu, liên tục trồng, liên tục thu hoạch.
“Đầu tư như vậy mỗi năm trừ các chi phí giống, nhân công… khoảng 120 – 150 triệu/ha, như Công ty thu nhập tối thiểu cũng phải được 250 triệu đồng”, chị Thu nói.
Nhờ thế, Công ty cổ phần - Tổng Công ty giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình đã đầu tư một hệ thống nhà sấy tại trại giống lúa Khánh Nhạc, công suất 1 lần sấy trên 30 tấn lúa một ngày. Đồng thời, xây dựng nhà máy Chế biến bảo quản nông sản Ninh Bình, khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 8/2015 với công suất 35 nghìn tấn/năm.
Ông Vũ Văn Nga, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng Công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình cho biết, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Công ty chủ trương sẽ tích tụ trong năm 2017 là 1.000 ha, năm 2018 là 3.000 ha, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân, đưa nông nghiệp Ninh Bình phát triển toàn diện, bền vững, phấn đấu trở thành một doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nguồn tin: www.monre.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn