Đây là một trong những điểm mới mà Bộ TN&MT sửa đổi bổ sung hoàn thiện các nội dung quy định về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư tại dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, chuẩn bị trình Chính phủ.
Theo đó, về chi phí tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, bao gồm cả chi phí quản lý của chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng trong trường hợp phần kinh phí giải phóng mặt bằng được tách riêng giao cho địa phương thực hiện, cho phép cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (UBND cấp tỉnh hoặc cấp được ủy quyền) được quyền quyết định mức chi cụ thể phù hợp với đặc thù, quy mô dự án.
Trong trường hợp phần kinh phí giải phóng mặt bằng được tách thành dự án thành phần, giao cho địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng, chi phí tổ chức thực hiện còn bao gồm cả chi phí quản lý của chủ đầu tư dự án thành phần. Chi phí tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng được tính riêng, không thuộc chi phí quản lý dự án của chủ đầu tư dự án thành phần.
Đối với chi phí tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đề nghị đưa thêm phạm vi các dự án mang tính đặc thù (như dự án xây dựng giao thông) được phép lập dự toán chi phí tổ chức thực hiện mà không bị quy định cứng 2%.
Bồi thường công trình công cộng
Việc bồi thường công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (gọi chung là công trình công cộng) cũng có những đổi mới. Theo đó, sẽ bồi thường bằng công trình xây dựng mới có tiêu chuẩn kỹ thuật cấp tương đương hoặc cao hơn một cấp theo quy định của chuyên ngành bằng kinh phí của dự án (phương án bồi thường trên cơ sở thiết kế, dự toán xây dựng công trình mới).
Cho phép chủ sở hữu công trình bồi thường được phép chỉ định nhà thầu thi công xây dựng công trình mới và có cam kết chịu trách nhiệm về thời hạn di dời với chủ đầu tư.
Trong trường hợp chủ sở hữu không tự thực hiện được, chủ đầu tư tổ chức thực hiện xây dựng mới theo nguyên tắc như nêu trên (lập dự toán, chỉ định thầu đơn vị thi công..)
Về bồi thường công trình hạ tầng, Bộ TN&MT đề nghị bổ sung nội dung “Trong trường hợp công trình kết cấu hạ tầng chưa được xếp vào cấp tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc ở giữa 2 cấp tiêu chuẩn kỹ thuật thì UBND cấp tỉnh thống nhất với cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư dự án xác định cấp tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp để thực hiện bồi thường”.
Bổ sung chính sách xây dựng tái định cư
Theo đó, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trong việc chuẩn bị quỹ đất, quỹ nhà tái định cư dự trữ để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo đáp ứng tiến độ yêu cầu của các dự án trên địa bàn.
Một số chính sách được bổ sung như chính sách hỗ trợ kinh phí chênh lệch đối với các hộ dân được bồi thường nơi ở cũ nhưng không đủ tiền mua đất, nhà tái định cư hoặc cho trả chậm trong thời hạn nhất định nhằm khuyến khích các hộ dân sớm bàn giao mặt bằng cho dự án.
Trường hợp địa phương chưa bố trí được kinh phí xây dựng tái định cư, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ đầu tư dự án tạm ứng nguồn kinh phí để địa phương xây dựng tái định cư, sau khi bố trí các hộ dân vào tái định cư, địa phương có trách nhiệm hoàn trả kinh phí tái định cư cho dự án. Áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với việc lựa chọn nhà thầu thiết kế, thi công xây dựng tái định cư nhằm đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng thi công dự án.