Đánh giá kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại tỉnh Phú Thọ
Thứ ba - 31/08/2021 16:39
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Tỉnh uỷ Phú Thọ đã thực hiện tuyên truyền, quán triệt rộng rãi cho các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân trên địa bàn tỉnh và tổ chức xây dựng, ban hành Chương trình hành động số 32-CTr/TU ngày 25/01/2013, Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 03/4/2014. UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành các Kế hoạch: số 964/KH-UBND ngày 26/3/2013 và số 1055/KH-UBND ngày 25/3/2014 để tổ chức thực hiện tại địa phương. Ngoài ra, từ năm 2013 đến nay, tỉnh Phú Thọ đã ban hành 22 Văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để cụ thể hoá Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo tuân thủ đúng quy định để chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đưa Luật Đất đai đi vào thực tế thực hiện, tạo hành lang pháp lý cho việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng đất đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Đồng thời, chỉ đạo hoàn thành việc lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đối với cấp tỉnh, cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện trình các cấp thẩm định, trình duyệt; qua đó đã chủ động dành quỹ đất hợp lý cho phát triển, khắc phục các mâu thuẫn, chồng chéo trong sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu đất đai cho xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, thương mại, dịch vụ, an ninh quốc phòng,... góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, giữ vững ổn định tình hình an ninh, chính trị - xã hội của tỉnh trong giai đoạn vừa qua. Đồng thời, thực hiện việc cho thuê đất 564 dự án; giao đất có thu tiền sử dụng đất là 56 dự án; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất 12 dự án, trong đó nhiều dự án được giao đất, cho thuê đất qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đầu thầu dự án có sử dụng đất, tổng số tiền thu được trên 3.000 tỷ đồng. Xây dựng, đi vào hoạt đồng 02 Khu công nghiệp với diện tích 900ha; 10 Cụm công nghiệp với diện tích gần 300ha; 12 dự án nhà ở đô thị với diện tích trên 100ha. Thu hồi 954,33ha đất để thực hiện 646 dự án dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đồng thời, đã thực hiện việc rà soát, sắp xếp, đổi mới quản lý quỹ đất của các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh; đo đạc, lập bản đồ địa chính được trên 50% số xã của tỉnh; hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho người sử dụng đất, đạt trên 93% tổng diện tích cần cấp. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính về đất đai, đến nay cơ bản các thủ tục hành chính tại tỉnh Phú Thọ đã hoạt động ở mức độ 3, mức độ 4.
Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đang hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 05 năm (2021-2025) và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030; trong đó quy hoạch hình thành trên 10 Khu công nghiệp, các Cụm công nghiệp và các dự án du lịch, sinh thái, chỉnh trang đô thị; định hướng đến năm 2030 trở thành một trong những tỉnh miền núi phí Bắc trọng điểm về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và du lịch sinh thái trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Để cụ thể hóa các nội dung trên và triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành, thị sớm hoàn thành công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, hướng tới hệ thống quản lý đất đai mới, hiện đại trên nền tảng công nghệ số; đảm bảo cập nhật vào dữ liệu đất đai quốc gia; đáp ứng yêu cầu phát triển Chính phủ điện tử và nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh trong thời gian tới. Xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý sử dụng đất tại các cấp cơ sở; đặc biệt là quản lý quỹ đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh; đất tôn giáo, tín ngưỡng; đất của các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa; các cơ sở gây ô nhiễm cần phải di dời ra trung tâm thành phố, thị xã và các khu đô thị, du lịch, sinh thái. Bảo vệ quy hoạch ổn định lâu dài đối với diện tích đất trồng lúa đảm bảo an ninh, lương thực; quy hoạch bảo vệ đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử đảm bảo không gian sinh tồn, hệ sinh thái tự nhiên. Tăng cường công tác tích tụ tập trung đất đai, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh với quy mô lớn, phù hợp với cơ chế thị trường và an sinh xã hội. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện giá đất, Bảng giá đất đảm bảo phù hợp với thị trường và nhu cầu thu hút đầu tư phát triển Khu, cụm công nghiệp; kinh doanh, dịch vụ và hoàn thiện bộ máy quản lý Nhà nước về đất của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các tổ chức dịch vụ công đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật; các quy định của ngành và việc vận hành thực tiễn tại địa phương.
Tác giả bài viết: Cao Trung Kiên, Trưởng phòng HCTH-Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Phú Thọ.